Những câu hỏi thường gặp khi xét tuyển ngành Công nghệ Thông tin – trường Đại học Đà Lạt

Câu hỏi thường gặp khi xét tuyển vào ngành Công nghệ Thông tin – đại học Đà Lạt

Nhằm giúp quý vị phụ huynh, các bạn học sinh hiểu hơn về Khoa Công nghệ Thông tin – Trường Đại học Đà Lạt. Ban tư vấn tuyển sinh có bài viết tổng hợp các thắc mắc phổ biến nhất của phụ huynh và thí sinh về Khoa để thí sinh có cơ sở lựa chọn cho việc đăng ký xét tuyển đại học chính qui vào thời gian tới.

1. Khoa Công nghệ Thông tin – Trường Đại học Đà Lạt thuộc hệ thống đại học công lập phải không?

  • Trường Đại học Đà Lạt là một trường công lập, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao về khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội – nhân văn; là trung tâm nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.
  • Khoa Công nghệ Thông tin được thành lập từ tháng 7 năm 2003. Ngành Công nghệ Thông tin là một ngành trọng điểm của trường Đại học Đà Lạt.

2. Khoa Công nghệ Thông hiện đào tạo những bậc học nào? Theo hệ thống nào?

  • Hiện nay, Khoa Công nghệ Thông tin – Đại học Đà Lạt đã và đang đào tạo bậc đại học, cao đẳng, liên thông từ cao đẳng lên đại học. Tất cả các bậc học đều là hệ đào tạo chính quy.
  • Khoa Công nghệ Thông tin đang đào tạo theo 2 hệ thống. Đó là: hệ thống tín chỉ của bộ Giáo dục và Đào tạo và hệ thống theo chuẩn đầu ra CDIO.

3. Sinh viên theo học ngành Công nghệ Thông tin có mức học phí trung bình học kỳ khoảng bao nhiêu? Điều kiện ăn ở như thế nào?

  • Trường Đại học Đà Lạt hiện đang áp dụng mức học phí trung bình khoảng 3.500.000/học kỳ. Đây là mức học phí tương đối trong hệ thống trường đại học công lập.
  • Khi theo học tại khoa Công nghệ Thông tin – Đại học Đà Lạt, sinh viên sẽ được hổ trợ ở và sinh hoạt tại khu ký túc xá sinh viên của trường. Nếu sinh viên không muốn ở ký túc xá thì có thể thuê nhà trọ bên ngoài để sinh hoạt với mức phí tương đối thấp hơn các vùng miền khác.

4. Hình thức xét tuyển đại học chính qui năm 2017 như thế nào ?

  • Xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2017; không có bài thi/môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1.0 điểm trở xuống;
  • Các thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp tại các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên được xét tuyển vào Trường Đại học Đà Lạt với tổng điểm 3 môn của tổ hợp dùng để xét tuyển thấp hơn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 1,0 điểm theo quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các thí sinh này phải học bổ sung kiến thức một học kỳ.
  • Xét tổng điểm 3 môn theo các tổ hợp môn thi (Toán, Vật lý, Tiếng Anh; Toán, Vật lý, Hóa học; Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên; Toán, Hóa học, Sinh học; Toán, Tiếng Anh, Sinh học; Toán, Văn, Tiếng Anh; Văn, Lịch sử, Địa lý; Toán, Tiếng Anh, Khoa học xã hội; Văn, Tiếng Anh, Khoa học xã hội), không nhân hệ số.

5. Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ Thông tin sinh viên có thể làm những gì? ở đâu?

Sinh viên có thể làm việc về các lĩnh vực liên quan đến công nghệ thông tin như:

  • Các công ty phần mềm nghiên cứu, xây dựng, phát triển và cung cấp các phần mềm, các ứng dụng xây dựng website, công ty phát triển games…
  • Các công ty sản xuất, lắp ráp, sửa chữa trang thiết bị phần cứng.
  • Các công ty cung cấp giải pháp tích hợp.
  • Các công ty cung cấp giải pháp về mạng và an ninh mạng.              
  • Bộ phận Quản trị, bộ phận IT tại các công ty, kể cá công ty hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ và các lĩnh vực khác.
  • Các đơn vị đào tạo về Công nghệ Thông tin.

Hiện nay, nhu cầu xã hội hoá công nghệ thông tin rất lớn, nên ở đâu cũng có doanh nghiệp về công nghệ thông tin. Khoa hiện liên kết với rất nhiều doanh nghiệp lớn để hổ trợ nhu cầu công việc cho sinh viên sau khi tốt nghiệp như: FPT Soft Đà Nẵng, KMS, TDA, TMA…. và rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ khác trên khắp cả nước.