Tham quan thực tế của khoa CNTT-Trường ĐHĐL tại khoa Công nghệ Thông tin và Trung tâm Công nghệ phần mềm Đại học Cần Thơ
Vào ngày 29/7/2015 đoàn cán bộ Khoa CNTT do ThS. Đặng Thanh hải – Q. Trưởng khoa- làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc với khoa CNTT và Trung tâm Công nghệ phần mềm, Đại học Cần Thơ tại thành phố Cần Thơ.
Đại học Cần Thơ là một cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trọng điểm của Nhà nước ở ĐBSCL, là trung tâm văn hóa – khoa học kỹ thuật của vùng. Trường đã không ngừng hoàn thiện và phát triển, từ một số ít ngành đào tạo ban đầu, Trường đã củng cố, phát triển thành một trường đa ngành đa lĩnh vực. Hiện nay Trường đào tạo 93 chuyên ngành đại học, 34 chuyên ngành cao học, 13 chuyên ngành nghiên cứu sinh và 02 chuyên ngành cao đẳng.
Trong khuôn khổ chuyến tham quan thực tế, vào sáng ngày 29/7, đoàn khoa Công nghệ Thông tin đã tới thăm và làm việc tại khoa Công nghệ Thông tin và truyền thông của Đại học Cần Thơ. Tiếp đoàn có PGS.TS Trần Cao Đệ (trưởng khoa), TS. Nguyễn Hữu Hòa, phó khoa, cùng các giảng viên là các tổ trưởng bộ môn trong khoa.
Tại buổi làm việc, PGS.TS Trần Cao Đệ đã giới thiệu về khoa CNTT, Đại học Cần Thơ. Đây là một trong những khoa trọng điểm của nhà trường, được thành lập từ năm 1994, hiện đã có 6 bộ môn với 129 cán bộ, giảng viên (2PGS, 22 TS, trên 80% là sau đại học tại nước ngoài). Hiện khoa đang đào tạo hệ đại học với hơn 2300 sinh viên, hệ cao học với hơn 100 học viên và sẽ mở ngành tiến sĩ hệ thống thông tin vào năm 2016. Về chương trình đào tạo, hiện nay khoa đang áp dụng quy chế tín chỉ triệt để với sự kiểm định tham khảo từ các chương trình nước ngoài. Về nghiên cứu khoa học, hàng năm các giảng viên trong khoa viết nhiều bài báo đăng trong các tạp chí, hội thảo, hội nghị trong và ngoài nước, tổ chức các hội thảo khoa học vùng, quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó khoa còn kết hợp với nhà xuất bản Cần Thơ để viết sách, giáo trình và nghiên cứu các dự án kết hợp với thực tiễn địa phương để đem lại nguồn thu cho khoa. Về hợp tác quốc tế, các cán bộ trong khoa chủ yếu đi học từ các trường đại học ở Pháp, khoa cũng tích cực hợp tác sử dụng các nguồn vốn ODA từ Nhật và thực hiện các dự án nghiên cứu với một số tổ chức nước ngoài. Về hợp tác trong nước, chủ yếu là hợp tác với các trường đại học trong việc nghiên cứu, bên cạnh đó khoa cũng hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp với việc tổ chức 2 sự kiện thường niên là Ngày hội việc làm (Tháng 4) và Tuần lễ khám phá tri thức (tháng 12) đễ giúp liên kết giữa sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ buổi làm việc tại khoa CNTT, hai bên đã trao đổi các vấn đề liên quan đến hợp tác nghiên cứu, đào tạo nhân lực, các hoạt động seminar thường niên. Qua thảo luận, hai bên cũng mong muốn hợp tác nghiên cứu một số dự án trong tương lai và kết hợp để tổ chức hội thảo CNTT thường niên giữa các trường đại học. Các giảng viên trong hai khoa cũng trao đổi qua lại các vấn đề liên quan đến chuyên môn, nghiên cứu và giảng dạy nhằm mục đích hợp tác và học hỏi.
Kết thúc buổi trao đổi, đoàn khoa CNTT đã được hướng dẫn tham quan các văn phòng làm việc các bộ môn và trao đổi với các giảng viên cũng như được giới thiệu các sản phẩm cụ thể mà bộ môn nghiên cứu.
Kết thúc buổi làm việc ThS Đặng Thanh Hải đã cảm ơn sự đón tiếp tận tình của khoa và bày tỏ hy vọng có thể hợp tác với khoa CNTT, Đại học Cần Thơ nhiều hơn trong thời gian tới. ThS Đặng Thanh Hải cũng trân trọng mời các giảng viên khoa CNTT, Đại học Cần Thơ thăm và tham dự Hội thảo CNTT Trường đại học Đà Lạt vào tháng 12 năm 2015.
Cũng trong khuôn khổ chuyến tham quan thực tế, chiều ngày 29/7, đoàn khoa Công nghệ Thông tin đã tới thăm và làm việc tại Trung tâm Công nghệ phần mềm, một cơ sở trực thuộc Đại học Cần Thơ được thành lập theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp đoàn có ông Nguyễn Hoàng Việt (giám đốc), ông Lê Hoàng Thảo (phó giám đốc) cùng một số trưởng các bộ phận trong trung tâm.
Tại buổi làm việc, đoàn được ông Nguyễn Hoàng Việt chia sẽ về các hoạt động của trung tâm. Theo đó trung tâm Công nghệ phần mềm được thành lập năm 2001 theo quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động tới năm 2006 thì ký kết hợp tác gia công phần mềm với Nhật. Quy trình chuẩn được trung tâm áp dụng là ISO 9001:2008. Hiện nay trung tâm có 110 nhân viên, chủ yếu làm việc trên hai phân hệ là đào tạo và sản xuất phần mềm. Về hoạt động đào tạo, trung tâm đào tạo chứng chỉ Aptech, Android và xử lý đa phương tiện. Về phân hệ sản xuất phần mềm, các sản phẩm của trung tâm chủ yếu tập trung ở ba nhóm chính: Giải pháp chính phủ điện tử (CUSC-GOV), hệ thống tích hợp thông tin quản lý đào tạo (CUSC-UIIS) và Nhóm sản phẩm hỗ trợ y tế, doanh nghiệp (CUSC-BIZ).
Tại buổi làm việc, các giảng viên khoa CNTT cũng đã trao đổi các vấn đề liên quan đến dự án phần mềm, chi phí sản xuất và quảng bá sản phẩm và được các nhân viên trung tâm giải đáp một cách chi tiết và thỏa đáng. Hai bên cũng đi đến một số thống nhất về hợp tác trong sản xuất và triển khai phần mềm.
Sau buổi trao đổi, đoàn khoa CNTT đã được hướng dẫn tham quan các phòng làm việc các bộ phận trong trung tâm, các bộ phận này làm việc như một công ty phần mềm thực tế, qua đó trao đổi với các nhân viên trong từng bộ phận để hiểu hơn về các quy trình sản xuất phần mềm.
Kết thúc buổi làm việc ThS Đặng Thanh Hải đã cảm ơn sự đón tiếp tận tình của các nhân viên trong trung tâm và bày tỏ hy vọng có thể hợp tác lâu dài với trung tâm trong thời gian tới.
Một số hình ảnh buổi làm việc:
Buổi trao đổi giữa khoa CNTT và truyền thông của Đại học Cần Thơ với khoa CNTT của Trường Đại học Đà Lạt
Tham quan phòng làm việc của bộ môn Công nghệ phần mềm
Chụp hình lưu niệm hợp tác giữa hai khoa
Đoàn tham quan tại trung tâm Công nghệ phần mềm
Tham quan bộ phận làm việc của trung tâm
Khoa CNTT